Học sinh - Sinh viên

CÔNG TÁC HỌC SINH, SINH VIÊN HƯỚNG TỚI THỜI ĐẠI CÔNG NGHIỆP 4.0 TRONG LĨNH VỰC ỨNG TUYỂN VIÊC LÀM

15:10 | 11/06/2019 340

 

                   Là sinh viên, hãy hiểu thế nào là cách mạng công nghiệp 4.0?

         Lịch sử đã ghi nhận 3 cuộc cách mạng công nghiệp chính thức, làm thay đổi toàn bộ nền sản xuất và các điều kiện kinh tế – xã hội của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước. Cuộc cách mạng thứ 2 là sự xuất hiện của điện năng và lần thứ 3 là sự bùng nổ của tin học và tự động hóa. Vậy cách mạng lần thứ 4 được dự đoán sẽ là gì, và còn bao lâu nữa thì thực sự xảy đến?

        Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã bắt đầu được nhắc đến trong vài năm trở lại đây, với tên thường gọi là Cách mạng 4.0. Cụm từ này bắt nguồn tại Đức đầu thế kỉ 21, là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng, Internet vạn vật và điện toán đám mây. Qua đó, người ta tạo ra những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc tự kết nối với nhau, tự tổ chức và quản lí. Đây còn được gọi là cuộc cách mạng số, vì chúng ta sẽ được chứng kiến công cuộc “số hóa” thế giới thực thành thế giới ảo. Đến một lúc nào đó, lằn ranh giữa hai thế giới này sẽ bị xóa mờ.

       Nhiều ý kiến cho rằng cuộc cách mạng này chỉ là dự đoán. Nhưng với những sự ra đời liên tiếp của những robot tự động, xe hơi tự lái, mạng xã hội… ta có thể nhận thấy kỉ nguyên 4.0 đang đến rất gần.

       4.0 sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?

       Chưa bao giờ con người một lúc đứng giữa những cơ hội và thách thức lớn đến vậy. Tác động rõ rệt nhất của cách mạng 4.0 là sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, với những tính năng có thể thay thế con người, thậm chí còn tối ưu hơn như khả năng tính toán, phân tích, ghi nhớ, cùng sức lao động bền bỉ, năng suất cao.

        Như vậy, trong một thị trường việc làm vốn đã rất gay gắt bởi những cuộc cạnh tranh giữa người với người, bây giờ người ta còn phải cạnh tranh thêm với cả robot. Có thể hình dung, cách mạng 4.0 sẽ tiến tới loại bỏ những công việc phổ thông hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại, thay thế toàn bộ bằng máy móc. Nhưng đồng thời, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên.

        Cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ tác động trực tiếp tới nguồn lao động trong vài năm tới – chính là những sinh viên đang học tập hôm nay. Chúng ta sẽ chiến thắng và làm chủ robot, hay thất bại và bị chúng đào thải, phụ thuộc vào sự chuẩn bị từ lúc này.

      Muốn nắm bắt vận mệnh của mình, hãy thay đổi ngay từ bây giờ

      Như bất kì một cuộc cách mạng nào khác, 4.0 mang lại những cơ hội khổng lồ nếu biết tận dụng và đồng thời là thách thức bị tụt hậu và loại bỏ.

       Giờ đây, kiến thức là vô biên, việc học không có điểm dừng. Lao động nghề, lao động trình độ thấp phải không ngừng trau dồi để nâng cao tay nghề, làm sao để năng suất tối ưu hơn những dây chuyền sản xuất tự động. Lao động trình độ cao, bác sĩ, kĩ sư, giáo viên… cũng phải không ngừng học hỏi, không ngừng cầu tiến, vì sự phát triển của máy móc đang theo rất sát đằng sau.

      Tư duy lỗi thời, tương lai tụt hậu

      Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, trong thời đại mới, sẽ không còn ai quan tâm đến một tấm bằng hình thức, đến nguồn gốc xuất thân hay những mối quan hệ. Trong tương lai, cơ hội dành cho tất cả mọi người là như nhau. Ai có thực lực, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội hơn, người đó thắng. Nếu cứ giữ lối tư duy ỷ lại, sinh viên xem như tự đoán trước kết cục cho mình.

      Trong 10, 20 năm tới đây, con người sẽ làm những công việc mà bây giờ họ thậm chí còn chưa biết chúng là gì. Nếu bạn còn ngồi trên ghế giảng đường, phụ thuộc hoàn toàn vào những cuốn giáo trình được soạn cách đây hàng thập kỉ, bạn sẽ là ai khi bước ra thế giới đang không ngừng biến đổi ngoài kia? Thế giới năng động, con người càng phải năng động hơn. Phải chủ động học hỏi không ngừng, đón đầu xu hướng, thậm chí sáng tạo ra xu hướng thay vì chờ đợi kiến thức được “rót” vào mình một cách thụ động.

     Bạn đã sẵn sàng trở thành một công dân toàn cầu?

     Cách tốt nhất để không bị thế giới bỏ lại phía sau chính là hòa nhập vào cái thế giới đó. “Công dân toàn cầu” đang là từ khóa đi đôi với “Cách mạng 4.0”. Bạn không thể là một công dân toàn cầu nếu không giỏi ngoại ngữ. Bạn cũng không thể nghĩ đến chuyện làm chủ máy móc hay kết nối, hội nhập được với thế giới nếu còn mù mờ về công nghệ thông tin. Bạn phải hiểu bản thân mình muốn gì, làm được gì và nên làm gì, không ngừng so sánh và cạnh tranh.

      Cả thế giới đang có những sự chuẩn bị ráo riết để bước vào một kỉ nguyên mới. Là những công dân trẻ và nguồn lao động tương lai, đừng để mình đứng ngoài làn sóng với những cơ hội ngàn vàng – làn sóng mang tên 4.0.

        Những vấn đề đặt ra trong công tác học sinh, sinh viên đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt con người trước cuộc cạnh tranh việc làm và chinh phục trí tuệ nhân tạo, robot.

       Để có thể đương đầu với thách thức khi nước ta thực sự bước vào cuộc cách mạng công nghiệp này, các bạn sinh viên phải chuẩn bị cho mình tri thức về công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng mềm thành thạo và kinh nghiệm làm việc thực tế để mở ra cánh cửa bước vào sân chơi toàn cầu hóa.

       Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài chính, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, chuyên gia cố vấn quản trị doanh nghiệp, trò chuyện với sinh viên về cách sinh tồn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

     Chủ đề của cuộc trò chuyện với tân sinh viên là “Hướng nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0, Tinh thần khởi nghiệp, Ba lô vào đời, Mật mã “hạ gục” nhà tuyển dụng”.

      TS Lê Thẩm Dương là thầy giáo được yêu mến đặc biệt trên mạng xã hội với nhiều bài giảng hấp dẫn. Nhiều bài nói chuyện của ông với học sinh, sinh viên được các bạn trẻ chia sẻ, bình luận hăng say trên mạng xã hội.

      Tại diễn đàn Tiến sĩ Thẩm Dương phân tích kĩ lưỡng khái niệm về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để các bạn trẻ nắm được xu thế thời đại hiện nay, từ đó giải quyết một trong 4 vấn đề mà mỗi bạn phải, tìm tòi để định hướng nghề nghiệp cho bản thân.

      Sinh viên trao đổi với TS Dương về lựa chọn nghề nghiệp trong thời đại, Cách mạng công nghiệp 4.0, 4 vấn đề đó là: hiểu chính mình, hiểu nghề, hiểu thời thế (cách mạng công nghiệp 4.0) và lựa chọn chính xác.

     TS Dương cho rằng “hiểu nghề” có thể đọc trong sách bởi vì hiện nay có rất nhiều sách phân tích kĩ lưỡng về các ngành nghề để sinh viên tìm hiểu. Về “hiểu thời thế” chính là xu hướng thời đại, cách mạng 4.0 ở trước mắt các bạn trẻ.

     Quan trọng nhất là sinh viên phải tự hiểu được chính mình, biết đâu là thế mạnh, sở trường, đam mê của mình để mà đi sâu khai thác. Các bạn cũng cần có thái độ chăm chỉ, nghiêm túc, biết phối hợp trong công việc... nếu muốn phát triển trong xã hội thị trường.

     Sau khi giải quyết được 3 vấn đề đầu tiên, cuối cùng là vấn đề chọn lựa. Bạn cảm thấy đối với năng lực của mình thì có thể làm những nghề nào, tìm hiểu thông tin về những nghề đó và xu hướng của thời đại với ngành nghề mà bạn mong muốn. Ví dụ như bạn thích một làm một nghề nhưng cần phải quan tâm bạn có phù hợp với ngành nghề đó hay không, chính sách của nhà nước đang khuyến khích kinh doanh loại mặt hàng nào, cấm loại mặt hàng nào... để có chọn lựa cho chính xác.

      Nói một cách ngắn gọn, TS Thẩm Dương kết luận: “Các bạn phải tự hướng nghiệp, ai “khôn thì người đó sống”. Bởi vì trong thời đại hội nhập hiện nay không có “cửa” ổn định. Không phải chỉ xin một công việc rồi tuyên bố tôi có nghề rồi an nhàn tận hưởng. Sẽ không lâu đâu khái niệm về công việc mà bạn đang biết sẽ mất đi, thay vào đó là một người làm nhiều việc”.

        TS Dương tin tưởng Cách mạng công nghiệp đang xảy ra và diễn biến của nó không ai ngờ được. Trong khi đó, sinh viên lại ảo tưởng rất nhiều, đánh giá chính mình cao hơn thực tế.

       TS Dương nói rằng đặc điểm đầu tiên của cách mạng công nghiệp 4.0 là tốc độ. Nó phát triển rất nhanh, tăng trưởng biến động. Do vậy, ai thiếu thích nghi sẽ bị đào thải.

      Đặc điểm thứ hai cách mạng công nghiệp 4.0 là phá vỡ cách quản trị xã hội và quản trị doanh nghiệp, quản trị cá nhân kiểu cũ, yêu cầu cách thức mới phù hợp và hiệu quả hơn.

      Đặc điểm thứ 3 là những yếu tố lõi: kĩ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Kĩ thuật số điển hình là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn. Công nghệ sinh học điển hình là nhảy vọt trong nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu xây dựng... Vật lý đặc trưng là robot thế hệ mới, biểu hiện là: xe hơi tự lái, vật liệu cao cấp, công nghệ nano... Những yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

       Bên cạnh nói về cách mạng công nghiệp 4.0, TS Dương cũng phân tích kĩ bản chất của các cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0 và 3.0. Ông mượn lịch sử phát triển của nhân loại qua các cuộc cách mạng này để ví von trình độ của sinh viên hiện nay.

       Ông đặt câu hỏi để mỗi bạn sinh viên tự nhìn lại mình: “Các bạn sinh viên đang ở nhiều điểm xuất phát khác nhau. Có người đang ở trình độ cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0, 3.0. Chúng ta muốn tiến lên 4.0 phải biết rõ bản thân đang ở mức độ nào, để bằng mọi giá tiếp cận 4.0”.

       TS Dương khuyên các bạn phải giải quyết 4 vấn đề hướng nghiệp mà ông đã nêu ra. “Ra khỏi trường, việc phải tự mình tìm. Bạn phải có tinh thần khởi nghiệp, tự lựa chọn cơ hội của chính mình bởi vì cơ hội rất nhiều.

       Chính vì vậy, để hướng tới thời đại Công nghiệp 4.0 học sinh, sinh viên phải chuẩn bị hành trang như thế nào, sau khi tốt nghiệp cho việc tìm kiếm việc làm, đó là:

       1. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn

        Ngày nay cả thế giới và Việt Nam đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này sẽ biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo cách hoàn toàn mới.

      Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ thông tin (CNTT) và Internet kết nối vạn vật, không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau.

       Do đó, các quốc gia muốn tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp này đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng vào thực tiễn sản xuất để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra.

       Vì thế, ngay từ trên giảng đường, sinh viên phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào cuộc sống thì chúng ta mới có cơ hội cạnh tranh việc làm, mở ra cánh cửa để bước vào sân chơi toàn cầu hóa.

     2. Ngoại ngữ tốt - mở rộng cơ hội nghề nghiệp

      Trau dồi vốn ngoại ngữ là yêu cầu mang tính cần thiết. Khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội cho chúng ta tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp được với bạn bè quốc tế nhằm giao lưu, học hỏi văn hóa của các miền đất trên Thế giới và tiếp thu tri thức nhân loại.

      Giữa xu thế “đa quốc gia hóa” của các công ty, biết ít nhất một ngoại ngữ sẽ giúp bạn nổi bật, dễ dàng nhận được công việc phù hợp với khả năng, trình độ bản thân, việc tìm kiếm các thông tin tuyển dụng sẽ mở rộng nhiều vị trí hấp dẫn.

      Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng học ngoại ngữ không đơn thuần chỉ là biết từ vựng và hiệu quả, nghĩa là người học ngoại ngữ đồng thời phải học hỏi văn hóa nước khác để có cách diễn đạt phù hợp. Một giảng viên tiếng Anh đã từng nói: “Không thể dạy được ngoại ngữ nếu người đó không am hiểu về văn hóa nước họ”. Cũng như vậy, việc học ngoại ngữ cũng cần gắn với mục đích đúng đắn nhất định, đó là phục vụ học tập, làm việc, giao tiếp và giải trí lành mạnh.

      3. Kỹ năng mềm - lợi thế hòa nhập với môi trường làm việc

       Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người, thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn. Nhưng, kỹ năng mềm lại quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.

       Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kỹ năng mềm quyết định 75% thành công của con người còn kỹ năng cứng (hay kiến thức, trình độ chuyên môn) chỉ chiếm 25%. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là bạn phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này một cách khéo léo.

      Kỹ năng mềm bao gồm: giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng trình bày (thể hiện và vận dụng trí tuệ, công nghệ, bản lĩnh), quản lý thời gian… Đặc biệt, là kỹ năng quản lý thời gian để giúp các bạn sinh viên không sa đà vào mạng xã hội, giải trí mà làm việc thiếu hiệu quả, giảm năng suất. Trong quá tình học tập bạn cần khai thác và phát triển tối đa khả năng tiềm ẩn của mình. Hãy tham gia các chương trình ngoại khóa sôi nổi, các câu lạc bộ, các lớp học... là nơi bạn có thể rèn luyện kĩ năng mềm.

      Ngoài ra, bạn cũng cần tham gia vào công tác xã hội để biết chia sẻ năng lực và của cải với xã hội. Mối quan hệ là điều quan trọng, nó như một thư viện lớn. Khi cần việc gì sẽ tìm đến ngăn thư viện đó và mở nó ra, sẽ tìm được cách giải quyết khó khăn, thắc mắc của mình. Vì thế, xây dựng mối quan hệ từ thời sinh viên bằng cách tham gia các hoạt động xã hội của câu lạc bộ hay hội nhóm... là cách tích lũy cho mình những kiến thức, kinh nghiệm và quan trọng là những mối quan hệ tốt đẹp.

      4. Kinh nghiệm làm việc thực tế - bí quyết gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

       Doanh nghiệp thường yêu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm, chính vì vậy nhiều sinh viên ra trường thường không đáp ứng được. Trái lại, nhiều sinh viên mới ra trường nhưng đã có bản CV đẹp với kinh nghiệm khá “dày”, họ nhanh chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp.

     Theo đó, kỳ thực tập chuyên môn, hoạt động trải nghiệm công việc thực tế là một lợi thế rất lớn giúp sinh viên vượt qua các kỳ tuyển dụng gắt gao cũng như không bị ngỡ ngàng khi bắt tay vào việc. Bởi kỳ thực tập là thời điểm tốt nhất để sinh viên có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Về cơ bản, quá trình thực tập cũng gần giống như quá trình đào tạo cho một nhân viên mới trong công ty.

      Ngoài ra, nếu muốn có thêm kinh nghiệm làm việc ngay trong khóa học, một công việc làm thêm phù hợp với ngành học hoặc sở thích sẽ giúp bạn học hỏi nhiều điều bởi trong quá trình làm việc không tránh được những "va chạm" bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để xử lý những tình huống đó. Những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt trước nhà tuyển dụng.

     Đó là 04 yếu tố cần thiết giúp học sinh, sinh viên có đủ hành trang tiếp cận với thị trường lao động đòi hỏi ngày càng cao hiện nay. Hay nói cách khác là những vấn đề đặt ra cho học sinh, sinh viên hướng tới thời đại công nghiệp 4.0.

                                                           Hải Phòng, tháng 5 năm 2019

                                                              Thạc sỹ Phạm Văn Đát 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Đăng ký xét tuyển

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm
a